October 6, 2010

Bài học Nghìn Năm Thăng Long từ tinh thần Phật giáo-Kỳ II

Hoàng Thành Thăng Long


4.                      Tinh thần Vô Trụ.
Vô Trụ nghĩa là không trụ chấp vào các pháp hữu vi. Đó là tinh thần “xuất trần thượng sĩ”, là triết học hành động của các Thiền sư: làm thì làm nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa vào pháp hữu vi. Vô Trụ còn là tiêu biểu cho thái độ không màng quyền lực, danh vọng, phú quý của các vị vua thời Lý-Trần.
Dưới triều vua Lê Đại Hành, Thiền sư Vạn Hạnh đã đóng một vai trò quan trọng cố vấn cho vua việc đại sự quốc gia. Khi quân Tống sang xâm lăng nước ta năm 980, Vua Lê Đại Hành hỏi Thiền sư nếu đánh thì thắng hay bại, Thiền sư trả lời là nội trong ba, bảy ngày thì giặc phải thua chạy. Rồi năm 982, khi quân Chiêm Thành bắt hai sứ giả của ta, Thiền sư đã khuyên Vua cấp tốc xuất quân Nam chinh thì sẽ đại thắng. Quả nhiên, đối với hai vấn đề trọng đại sinh tử nầy là đương đầu với đế quốc phương Bắc và đánh dẹp phương Nam vào thời ấy đều đúng như lời Thiền sư tiên đoán.
Thiền sư Vạn Hạnh chính là linh hồn của cuộc cách mạng bất bạo động năm 1009. Ngài đã âm thầm, kiên trì chuẩn bị cuộc cách mạng này từ lâu, từ lúc thấy Lê Long Đĩnh bạo tàn, hoang dâm vô độ và từ lúc phát hiện Lý Công Uẩn sẽ là bậc minh quân nên đã ra sức giáo dưỡng, un đúc, rồi vận động và thực hiện kế hoạch siêu việt. Khi thời cơ chín mùi, Ngài đã liên kết cùng Đào Cam Mộc, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ngày Lý Công Uẩn lên ngôi thì Thiền sư đang uống trà ở chùa Lục Tổ một cách thong dong. Việc “Thiền sư đã làm là  vì dân tộc, vì muốn chuyển hóa xã  hội bạo trị thành một xã hội đức  trị, biến một quốc gia Việt Nam mong manh,  suy vi thành một quốc gia Việt Nam hùng cường,  hưng thịnh. Thiền sư đã ra tay hành  động, vừa là để tránh cho dân  tộc khỏi rơi vào vực thẳm, khỏi  trầm luân trong đầm lầy và vừa  để xây dựng trên đống tro tàn,  gạch vụn đổ nát của thời Bắc Thuộc và thời chiến tranh, loạn lạc,  độc tài, bạo trị, một lâu đài  Việt Nam nguy nga, tráng lệ, một sự nghiệp  Việt Nam trường tồn bất tử ngàn  năm.” (Lý Khôi Việt, Thiền sư Vạnh Vạnh và sự nghiệp Việt Nam).
Tượng  Thiền Sư Vạn Hạnh

Ngoài cuộc cách mạng năm 1009, Thiền sư Vạn Hạnh còn là người đóng vai trò quan trọng trong việc dời đô từ Hoa Lư, kiến thiết thành Thăng Long…Tất cả những việc này Thiền sư đều làm với tâm vô kỷ, vô công, vô danh, vô hành. Sau này mỗi khi có việc trọng đại, vua mời Thiền sư vào cung cố vấn. Xong việc, Thiền sư lại rút lui về chùa.
Các vị Thiền sư Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải và Không Lộ… đều giữ thái độ xuất thế, không mảy may dính vào mùi danh, bả lợi. Các Ngài mang hạnh nguyện độ sanh đến cho đời, làm tất cả vì cuộc đời, rồi xuất thế một cách thong dong như cánh nhạn bay qua nền trời, không để dấu lại mặt hồ và mặt hồ cũng không lưu dấu được bóng nhạn, tất cả đều thanh thoát, tự tại, siêu việt:
Nhạn quá Trường không
Ảnh trầm hàn thuỷ
Nhạn vô di tích chi ý
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm
(Hương Hải Thiền sư)
Ảnh hưởng từ phong thái tự tại của các Thiền sư cũng như thấm nhuần từ giáo lý đạo Thiền, các vị vua thời Lý-Trần đã thể hiện nếp sống “cư trần bất nhiễm trần”. Dù sống trong cung điện xa hoa phú quý nhưng các vị không hề đắm nhiễm. Các vị vua đời Lý đều thực tập đạo Thiền và thường xuyên mời các vị Thiền sư vào cung giảng đạo.
Có những vị tuy sống giữa nhung lụa nhưng vẫn có phong thái của Thiền sư. Sử chép, vua Trần Thái Tông thắp đèn thâu đêm để đọc sách đạo Thiền; vua còn chế tác “Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi” để ngày đêm sáu thời lễ lạy. Lúc còn nhỏ, vua đã trốn vào núi để xuất gia, nhưng sau do sự khuyên can của Thiền sư Viên Chứng và quần thần nên đành miễn cưỡng trở lại ngai vàng. Dù ở chốn cung đình nhưng vua vẫn giữ phong thái thoát tục như các vị Thiền sư ẩn tu ở chốn sơn lâm:
 Mình ngồi thành thị
   Nếp dụng sơn lâm” (Cư trần lạc đạo phú-hội thứ hai)
Sau khi lãnh đạo chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất thành công và đóng góp to lớn cho triều chính, vua truyền ngôi lại cho con là Trần Thánh Tông (1258-1278), rồi ngày đêm chăm lo đạo Thiền, viết Thiền Tông Chỉ Nam để truyền những sở đắc cho hậu thế.
Vua Trần Nhân Tông (1279-1293), sau khi cùng quân dân đánh tan cuộc xâm lược lần thứ hai và ba, góp phần giữ vững triều cương và đất nước, cũng đã truyền ngôi cho con, vào chốn thâm sơn Yên Tử để vui thú đạo mầu và lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Có thể nói các vị vua Lý-Trần coi quyền lực, phú quý như áng mây bay, buông bỏ chúng như “đôi giày rách”. Các vị chỉ làm vua như một trách nhiệm mà lịch sử giao phó. Xong việc, thì thong dong, tự tại, siêu việt mọi danh lợi thường tình.
5.                      Tinh thần Bất Nhị
Tinh thần Bất Nhị là giáo lý siêu việt của nhà Phật. Nó đặt cơ sở trên cái nhìn vô phân biệt về cuộc đời, thành-hoại, sanh-tử, phàm-thánh không một, cũng không khác. Đó là sự quán chiếu cuộc đời “sắc tức là không, không tức là sắc”.
Tinh thần Bất Nhị được ứng dụng mạnh vào thời Trần chính là nhờ những tư tưởng chủ đạo thời bấy giờ làm cơ sở. Đó là tư tưởng “Phật tại tâm”, “biện tâm” và “cư trần lạc đạo”.
Quốc sư Viên Chứng thức tỉnh vua Trần Thái Tông rằng: “Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết thì đó đích thị là Phật”.  Thái Tông nhấn mạnh tư tưởng “Biện tâm”, nghĩa là không kể là sống ẩn trên núi hay là giữa thị thành, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có phân biệt nam nữ, sao lại còn chấp tướng: “mặc vấn đại ẩn, tiểu ẩn, hữu biệt tại gia xuất gia, bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm, bổn vô nam nữ hà tu trước tướng?” Trần Nhân Tông cũng chỉ ra Bụt chính là ở cõi lòng:
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay Bụt chỉn là ta
”.
Và vì vậy thôi nhọc công đi đìm, hãy sống tuỳ duyên, an lạc:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
 Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền
”.
                                                  (Cư trần lạc đạo phú)

Tuệ Trung Thượng Sỹ một Thiền sư có tư tưởng siêu phóng đời Trần, một Bồ tát tại gia và là thầy dạy của Trần Nhân Tông cũng nói tư tưởng này trong các bài ”phàm thánh bất dị” và ”mê ngộ bất dị”:
Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sinh không khác mặt
”.                     
Mỗi người là một vị Phật sống: “hoạt Phật”. Vì vậy, mỗi người không kể là tăng hay tục, là nam hay nữ đều phải lo “biện tâm”, tức gột rửa, cứu xét, tu tập tâm tính, cố gắng phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó. Chính tư tưởng chúng ta cùng chư Phật, không một, cũng không khác như thế đã tạo nên thái độ tích cực cho mỗi người tự nỗ lực, phấn đấu, tu tập để hiển lộ ông Phật ngay trong chính mình. Và do vậy, nó tạo nên hệ quả tốt đẹp là ai cũng sống an lạc, tự tại, xa lìa mọi phiền não, khổ đau cuộc đời.
Mặt khác, tinh thần Bất Nhị cũng tạo nên hệ quả dấn thân, nhập thế tích cực của Phật giáo. Vì sống với tinh thần Bất Nhị của đạo Thiền nên không còn chấp vào hình thức xuất hay nhập, hữu vi hay vô vi, tăng hay tục mà cốt ở tinh thần thực hiện. Vì thấm nhuần tư tưởng này nên vua Trần Thái Tông đã ở lại ngôi để lo cho dân, cho nước mà vẫn giữ phong thái tự tại; rồi một Tuệ Trung sống giữa gia đình mà trí tuệ siêu phóng, tinh thần ung dung; và, toàn dân thực tập tinh thần Phật giáo, ra sức cống hiến cho quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp thần kỳ, đánh tan 3 cuộc xâm lược của quân Nguyên-Mông hung hãn.
Tóm Lại, lịch sử 1000 năm Thăng Long không chỉ nổi bật bởi những kỳ tích oai hùng bình Tống, thắng Nguyên, dẹp Minh, đuổi Thanh, xua Pháp, gắn liền những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ mà nó còn thể hiện giá trị truyền thống, văn hiến tốt đẹp được thể hiện rõ nét trong thời Lý-Trần.
Bằng đường lối dung hợp giá trị tinh thần cao quý của Phật giáo với văn hoá bản sắc dân tộc, các vị vua đã tạo nên nét đặc thù cho văn hiến và lịch sử Việt Nam. Tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, vô trụ, bất nhị…đã không làm cho dân tộc yếu mềm mà trái lại tạo nên sức mạnh nội tại đánh tan những thế lực bành trướng, xây dựng một quốc gia thuần từ, an lạc, minh triết. Một quốc gia mà có những ông vua thực hiện đời sống thanh cao, có tấm lòng thương dân như con đẻ, biết trọng dụng người hiền tài, đức độ, biết xây dựng xã hội trên tinh thần Ngũ Giới thì xã hội được an bình, quốc gia được phú cường, thịnh trị là một hệ quả tất yếu:
Vận nước như dây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Ðạo đức ngự cung điện
Muôn xứ hết đao binh.
(Thiền sư Pháp Thuận)
Xã hội hiện tại với trình độ văn minh khoa học phát triển như vũ bão, nhưng không làm cho đạo đức con người đi lên mà còn xuống cấp trầm trọng. Sự khủng hoảng đạo đức và những thách thức xã hội đang đặt ra cho con người nhu cầu cần một chỗ dựa căn bản đạo đức, một phương thức sống ý nghĩa dựa trên nền tảng giá trị tâm linh tốt đẹp. Vì vậy, việc quay lại “ôn cố” những bài học lịch sử tốt đẹp, những gia tài tâm linh của Tổ tiên để trân quý, giữ gìn, phát huy,  để “tri tân” tức vận dụng trong cuộc sống hiện tại, xem ra, là một trong những giải pháp vậy.
Rồng thời Lý

Thư mục tham khảo
Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Thái Tông, Nxb Tp.HCM, 2004.
Lý Khôi Việt, Thiền sư Vạn Hạnh và sự nghiệp Việt Nam, saigontimesusa.com.
Nguyễn Lang-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2000.
Nguyễn Lang, Tổng quan về Phật giáo đời nhà Lý, phusa.info.
Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nxb KHXH, Hà Nội, 1985.
Viện văn học, Thơ văn Lý-Trần, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989.
Thích Chúc Minh, Tư tưởng Phật tại tâm của vua Trần Thái Tông (luận văn).












No comments:

Post a Comment