October 6, 2010

Bài học Nghìn Năm Thăng Long từ tinh thần Phật giáo-Kỳ I

Trống đồng Đông Sơn và rồng thời Lý-một trong những biểu tượng của Văn hóa Việt Nam

Việt Nam đang tưng bừng, nhộn nhịp đón chào Đại lễ Nghìn Năm Thăng Long. Đây là việc làm đáng mừng vì con cháu nước Việt đã tổ chức đại lễ đễ tôn vinh và nhớ ơn những bậc Khai quốc công thần,  Tổ tiên đã khai sinh, gầy dựng và giữ gìn văn hóa, non sông gấm vóc của dân tộc Việt trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên việc tổ chức đã thiên nhiều về hình thức hơn là nội dung. Trong khi sức âm ba lan toả của hào khí dân tộc lại nằm ở nội dung truyền thống tốt đẹp, vốn tạo ra một nền văn hiến cho dân tộc từ sự ảnh hưởng và tiếp biến những giá trị tinh thần cao quý của Phật giáo. Vì vậy, một trong những  việc quan trọng tổ chức Đại lễ Nghìn Năm Thăng Long là phải ôn lại những trang sử vẻ vang, những truyền thống huy hoàng để rút ra những bài học giá trị hầu tạo hành trang tâm linh cho một dân tộc.
Nhìn lại nghìn năm lịch sử, và suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, triều đại Lý -Trần đã nổi lên như hai điểm son chói lọi trên bề mặt lịch sử cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Phật giáo trong hai triều đại này đạt đến thời hoàng kim. Phật giáo đã song hành cùng dân tộc và có những cống hiến, đóng góp vĩ đại từ đời sống tâm linh đến chính trị, văn hoá, văn học, nghệ thuật…khiến Phật giáo và dân tộc trở thành hai thực thể không thể tách rời. Vì vậy, bài học từ Nghìn Năm Thăng Long chủ yếu là những bài học trong hai triều đại Lý (1010 – 1225) ,Trần ( 1226 – 1400) mang giá trị tâm linh Phật giáo.
1.                      Đức trị - tinh thần yêu nước thương dân
Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết trong sách Lý Thường Kiệt: “Ðời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Ðó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”. Thật vậy, các ông vua thời Lý -Trần đều là những Phật tử thuần thành. Thấm nhuần từ tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo, các vị vua đã biến những giá trị tâm linh ấy thành đường lối trị quốc, khiến quốc gia được an bình, thịnh trị. 
Các ông vua thời lý -Trần dùng chính sách trị dân có tính khoan hồng kết hợp pháp trị với đức trị. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, là một Phật tử thuần thành vốn được giáo dưỡng  và cố vấn bởi Thiền sư Vạn Hạnh, ông liền ra lệnh hủy bỏ mọi hình cụ trong ngục và xây dựng nhiều chùa chiền trong nước.
Các vua đều có tấm lòng thương dân như con. Lý Thánh Tông (1054-1072), vị vua thứ 3 của triều Lý, là một ông vua nhân từ, độ lượng. Năm 1065, trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh, vua Lý Thánh Tông đã chỉ vào công chúa Ðộng Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lại rằng: “Lòng ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân, dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm” (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Cũng nhà vua này, vào mùa đông năm Ất mùi 1055, trời giá rét, đã bảo với các quan: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian mà ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm” (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Các đợt ân xá tù nhân, đại xá thiên hạ, giảm thuế, miễn thuế luôn được tổ chức mỗi khi có sự kiện quan trọng như vua lên ngôi, lễ thụ phong Quốc Sư, cầu mưa, hay đất nước gặp thiên tai, hạn hán… Sử chép các đợt đại xá tù nhân, miễn tô thuế, mở quốc khố để phát thóc cho dân nghèo, những người mồ côi, già yếu, goá bụa luôn được thực thi dưới thời Lý vào các năm: 1010, 1016, 1028, 1036, 1064, 1070, 1076, 1095, 1103, 1134, 1136.
Thái hậu Ỷ Lan, vợ vua Lý Nhân Tông (1066-1127), xuất thân là một cô gái quê nên biết rõ những khổ đau của nông dân. Bà đã khuyên vua Nhân Tông nên phạt nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu gây nên tình trạng không có trâu cày. Năm 1013, thái hậu lấy của kho chuộc những người đàn bà con gái vì nghèo phải đem thân đi ở thế nợ, không thể đi lấy chồng.
Đường lối đức trị, chăm lo đến dời sống toàn dân còn thể hiện qua sự giáo dục đạo đức cho người dân. Năm Giáp Thìn (1304), thái thượng hoàng Trần Nhân Tông (1279-1293), bâý giờ là Tổ Trúc Lâm, đã đi khắp nhân gian khuyên dân chúng xoá bỏ dâm từ (những đền thờ thực khí trong tín ngưỡng phồn thực), giữ Ngũ Giới, tu Thập Thiện. Đây là việc làm mang tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo. Vì muốn một đất nước xã hội an bình, thịnh trị, trước hết phải xây dựng đạo đức cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội. Năm giới chính là nền tảng đạo đức của xã hội. Để bảo vệ mạng sống của con người, động vật, Ngài khuyên không sát sanh, hại vật; để bảo vệ bảo vệ tài sản của người, khuyên giữ giới không trộm cướp, bảo vệ hạnh phúc gia đình, khuyên giữ giới không tà dâm, bảo vệ uy tín và giá trị con người, khuyên giữ giới không nói dối, bảo vệ sức khỏe, trí tuệ và trật tự xã hội, khuyên giữ giới không uống rượu. Người dân trong nước đều giữ được Năm giới thì đất nước thật sự thái bình, dân chúng vui vẻ hát ca, không còn phải lo âu, sợ sệt. Tiến xa hơn nữa, đức vua còn vua khuyên tu Thập Thiện, tức là thân không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, miệng không nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt, ý bớt nóng giận, tham lam và si mê.
2.                      Nghệ thuật lãnh đạo
Thế Tôn dạy về 7 điều thường làm của một xã hội hưng thịnh:

- Thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo.
- Thường hay tụ họp trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết và giải tán trong niệm đoàn kết.
- Không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành.
- Tôn kính đảnh lễ các bậc trưởng lão, biết nghe theo lời dạy của những vị này.
- Không bắt cóc và cưỡng ép các phụ nữ và thiếu nữ.
- Tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu, không bỏ phế các cúng lễ từ trước đúng với qui pháp.
- Bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A la hán... (Tăng chi II).
Cấp lãnh đạo cần thực hiện 10 điểm gọi là Thập Vương Tử Pháp, đại để:

- Sống liêm khiết
- Lời nói nhu hòa
- Hy sinh vì quyền lợi của nhân dân
- Lắng nghe tiếng nói của nhân đân
- Nhẫn nhục, không được trả thù
- Phục vụ hòa bình, không chủ chiến
- Làm theo ý dân.
-... (Theo sớ giải Pháp Cú kinh)
Những lời dạy này đã được các Thiền sư vận dụng thành nghệ thuật lãnh đạo để giáo huấn, cố vấn cho vua, triều thần. Vua Lý Công Uẩn được Thiền sư Vạn Hạnh đào tạo tại chùa Lục Tổ; Trí Thiền sư ở núi Cao Dã đã giáo dục nên Tô Hiến Thành và Ngô Hoà Nghĩa. Các Thiền sư thông bác cả tam giáo và họ đã kết hợp những tinh hoa  về khoa học chính trị và xã hội của Nho giáo, rồi dựa trên tinh thần Phật giáo, họ đem những tinh hoa đó truyền thụ cho các vua. Các Thiền sư trong số đó được kể đến là: Khuông Việt, Vạn Hạnh, Từ Ðạo Hạnh, Viên Thông, Nguyễn Thường, Mãn Giác, Bảo Giám, v.v.
Sử chép: Lý Cao Tông (1175-1210) bị tăng phó Nguyễn Thường khuyên can chớ nên hát xướng chơi bời xa hoa quá độ. Ông nói; “Tôi nghe bài tựa Kinh Thi nói: âm nhạc làm loạn nước thì nghe như oán như giận. Nay dân loạn, nước khốn, chúa thượng thì rong chơi vô độ. Triều chính rối loạn, dân tâm ly tan, đó là triệu chứng mất nước.” Thiền sư Viên Thông trước đó cũng đã ân cần nói với vua Thần Tông (1116-1138) về lẽ trị loạn: “Thiên hạ cũng như bất cứ cái gì, hễ đặt nó vào chỗ an, thì an, đặt vào chỗ nguy thì nguy: điều này trông vào hành động của bậc nhân chủ (vua). Nếu đức tôn trọng sự sống của vua mà hợp với lòng dân khiến cho dân yêu mến vua như cha mẹ, ngưỡng mộ lên vua như mặt trời mặt trăng, như thế là đặt thiên hạ vào đúng chỗ an đó. Trị và loạn cũng do ở sự dùng người; nếu có người tốt giúp rập thì trị, mà không có thì loạn. Tôi thấy các bậc đế vương đời trước không ai không vì dùng bậc quân tử mà hưng, không ai không vì dùng tiểu nhân mà vong. Tình trạng không phải chuyện một sáng một chiều mà từ từ xảy ra vậy. Trời đất không thể từ lạnh đổi sang nóng ngay tức khắc, mà phải đi dần từ xuân sang thu, bậc vua chúa không hưng hay vong đột ngột mà hưng vong từ từ tùy theo tính cách thiện hay ác của họ. Bậc thánh vương đời xưa biết thế nên mới bắt chước đức của trời mà tu thân không ngừng, noi theo phép của đất mà an dân không nghỉ. Tu thân là thận trọng ở bề trong, run sợ như dẫm trên băng mỏng. An dân là kính trọng kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục. Theo đó thì hưng mà không theo thì vong. Sự hưng vong chỉ từ từ mà xảy đến.” (Nguyễn Lang, Tổng Quan về Phật Giáo đời nhà Lý).
Đặc biệt, quốc Sư Phù Vân đã khuyên vua Trần Thái Tông (1225-1258) về đường lối trị quốc như sau: “Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng cua mình.” Vua Trần Thái Tông sau đó đã lấy quyền lợi của dân tộc thành quyền lợi của mình, thống nhất quyền lợi của mình với quyền lợi dân tộc. Nhà vua đặt quyền lợi, sự suy tinh cá nhân ngoài sự xem xét, thủ tiêu những ý muốn cá nhân, để hướng đến quyền lợi chung là quyền lợi dân tộc mà lúc này là nhu cầu cấp bách bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập tổ quốc trước nguy cơ xâm lược của giặc Mông- Nguyên.
Vua Trần Thái Tông, sau đó đã cho thi hành 3 chính sách lớn:
Chính sách lớn thứ nhứt: Là chính sách kiện toàn bộ máy nhà nước nhằm làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Thực hiện chính sách này, vua Trần Thái Tông tiếp tục kế thừa và phát huy sách lược dân sự hoá và trí thức hoá bộ máy nhà nước, mà từ thời vua Lý Thánh Tông đã được đưa vào, thông qua một số biện pháp. Biện pháp một là mở một loạt các khoa thi vào những năm 1227, 1232, 1236, 1239, 1247, 1256. Với mục đích đào tạo nhân tài để tuyển chọn những người tài giởi có tấm lòng yêu nước, yêu dân như con mình để ra phục vụ cho guồng máy hành chánh, cũng như để phục vụ cho đất nước thời bây giờ, rất cần những anh tài xuất chúng, nhằm ổn định lại đội ngũ trí thức trong triều, thiết lập lại trật tự triều đình, phân chia nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến với quân Mông cổ, mà được dự báo trước là rất khốc liệt và gian nan. Đồng thời, với việc mở khoa thi để trí thức hoá đội ngũ viên chức nhà nước cùng biện pháp thứ hai là ổn định đời sống nhân dân bằng luật pháp. Ngay khi mới lên cầm quyền, triều đình nhà Trần đã thấy được yêu cầu cần phải đưa hoạt động nhà nước đi vào quy củ bằng một hệ thống luật pháp. Vua Trần Thái Tông đã kế thừa công tác đưa hoạt động nhà nước theo hướng pháp trị bằng một loạt các sắc lệnh.

Chính sách lớn thứ hai: Là thúc đẩy nền kinh tế cơ bản của đất nước phát triển, mà vào thời ấy là nông nghiệp chủ yếu, bằng một loạt các công trình xây dựng với đỉnh cao là đắp đê Đỉnh Nhĩ. Đây là kế thừa và phát huy chính sách bảo vệ phương tiện sản xuất của thời Lý nhưng đẩy mạnh dưới thời Trần.
Chính sách lớn thứ ba: Là cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt. Từ những năm đầu cầm quyền vua Trần Thái Tông đã quan tâm đến vấn đề biên giới phía Bắc và phía Nam của tổ quốc. Cùng với việc ổn định biên cương phía Bắc và Nam, vua Trần Thái Tông còn ráo riết tổ chức và tăng cường sức mạnh quân đội nhằm để chuẩn bị đối phó với tình hình chính trị quốc tế thời bây giờ diễn ra hết sức phức tạp vua Trần Thái Tông đã tiến hành một loạt các biện pháp quân sự nhằm không ngừng nâng cao khả năng chiến đấu chống quân Nguyên Mông.
Nghệ thuật lãnh đạo thời Lý cũng được thể hiện ở biện pháp rất dân chủ trong việc xử kiện, tránh những thủ tục quan liêu. Năm 1052,  vua Lý Thái Tông ra lệnh đúc chuông lớn ở Long Trì cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì giộng chuông để trực tiếp tâu lên vua hoặc đệ đơn kêu oan mà không phải đi qua trung gian nào.
Chùa Một Cột  (các tên khác: Nhất Trụ Tháp,Diên Hựu tự, Liên Hoa Đài, chùa Mật,)
xây năm 1049, đời vua  Lý Thái Tông

3.                      Tinh thần khoan hồng, độ lượng
Thấm nhuần từ tinh thần tử bi, hỷ xả, vị tha của đạo Phật, các vị vua thời Lý-Trần đã vận dụng những giá trị đạo đức đó vào đường lối chính trị, pháp trị kết hợp với đức trị, và hành xử hết sức độ lượng ngay cả với kẻ thù nghịch.
Năm 1028 vua Lý Thái Tông (1028-1054), tức Hoàng thái tử Phật Mã lên ngôi. Lúc bấy giờ, Khai Quốc Vương tức hoàng tử Bồ Trấn ở phủ Trường Yên làm phản. Vua đích thân đến Trường Yên đánh dẹp. Khai Quốc Vương đầu hàng. Vua tha tội cho Khai Quốc Vương và vẫn cho tước như cũ.
Năm 1064, mùa Hạ tháng Tư, vua Lý Thánh Tông ngự ở điện Thiên Khánh trong một vụ xử kiện. Vua chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương xót. Từ này về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm.”  Theo sách Lịch triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, Ngô Thì Sỹ (1725-1780) đã bình luận về việc này như sau: “đọc việc này, ta thấy vua Thánh Tông rất chân thành. Tất cả sự khoan hồng trong sự áp dụng luật pháp và tấm tình thân mật giữa vua và dân không hề bị bệ ngọc xa cách”.
Nước ta ngày ấy giáp giới với Chiêm Thành. Người Chiêm thường hay quấy rối vùng đất biên thùy. Từ ngày vua Chiêm là Rudravarman II (tức Chế Củ) lên ngôi, người Chiêm đã quan hệ, giao tiếp với nhà Tống bên Tàu để mua lừa ngựa, tổ chức lại quân đội, chuẩn bị, lăm le đánh nước ta.  Năm 1069, vua Lý Thánh Tông, có Lý Thường Kiệt phụ tá, thân chinh đi đánh dẹp, phá được kinh thành Chiêm Vijaya (hay Đồ Bàn), bắt được vua Chiêm đem về kinh đô Thăng Long. Hình phạt thông thường đối với kẻ giặc như vậy là tử hình. Nhưng Lý Thánh Tông đã tha cho Chế Củ về nước. Và Chế Củ đã xin dâng ta ba châu là Bố Chánh, Ma Linh và Đại Lý (tương ứng địa phận Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) để xin chuộc tội.
Sự kiện vua Lý Nhân Tông tha chết cho triều thần phản nghịch Lê Văn Thịnh càng nổi bật đức độ khoan dung của các ông vua thời đó. Theo Đại Việt Sứ Ký Toàn Thư, Lê Văn Thịnh đỗ thủ khoa năm 1075 và làm quan đến chức tể tướng. Lê Văn Thịnh có một người hầu cận biết làm phép thả hơi mù và biến thành hổ báo. Ông học được phép ấy và lập tâm giết vua để cướp ngôi. Năm 1087, vua Lý dạo chơi ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây bây giờ), xem đánh cá. Vua ngự trên một chiếc thuyền chài, có Mục Thận, người phường Tây Hồ, đứng hầu đằng mũi, buông lưới. Khi thuyền đến giữa hồ, thình lình trời mù tối, không nhìn rõ gì nữa. Bỗng, có một chiếc thuyền chèo vùn vụt tới, lướt qua thuyền vua. Trên thuyền, qua màn Sương mù, ai cũng trông thấy một con hổ lớn đương nhe răng gầm gừ. Vua cả sợ. Mục Thận trong cơn nguy cấp, sẵn lưới trong tay, tung ra, tưởng bắt được hổ, lúc xem lại, ai ngờ là Lê Văn Thịnh! Vua sai lấy dây sắt trói, giam vào cũi.
Theo luật pháp thời bấy giờ, tội mưu giết vua phạm vào tội “Thập Ác” và bị tru di tam tộc.  Song nghĩ tới công lao cũ, nên vua đã tha tội chết, chỉ đày Thịnh lên miền nước độc mà thôi. Thế mới biết sự khoan hồng, từ bi của các vua lớn chừng nào! Cho nên, “Có thể từ bi là một đường lối chính trị, nhưng chính trị từ bi là một nền chính trị nhân bản đáng được ủng hộ.” (Nguyễn Lang, Tổng Quan về Phật giáo nhà Lý).

Tháp Rùa - một ngọn tháp ở khoảng giữa, phía nam Hồ Gươm. Tháp xây trên gò Rùa, có 3 tầng. Tầng dưới vốn là đình Tả Vọng xây bởi Trịnh Giang (1711–1761) là chúa Trịnh thứ bẩy thế kỷ 18.

(đón đọc kỳ II)

No comments:

Post a Comment